18-01-2023

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ NĂM 2023 – ĐỊNH HƯỚNG TIẾP CẬN

✍️Chuỗi bài Chiến lược đầu tư 2023 – TVFM✍️
 
📊 Qua chuỗi bài về kinh tế vĩ mô (KTVM) và thị trường tài chính/chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam, TVFM đưa ra góc nhìn tương đối thận trọng cho bối cảnh đầu tư năm 2023, ở trong đó, các yếu tố rủi ro dường như thắng thế so với các. Tuy vậy, “money never sleep”, và trong bất cứ bối cảnh nào, chúng tôi vẫn tin tưởng rằng luôn có những cơ hội đầu tư tiềm năng hiện hữu. Dựa trên các phân tích và nhất quán với các nhận định về tình hình vĩ mô thế giới, dự báo tình hình kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ và chứng khoán của Việt Nam năm 2023, TVFM đưa ra một số cách tiếp cận đầu tư, cùng với đó là những lĩnh vực, nhóm ngành đáng quan tâm gồm:
1️⃣ Tiếp cận theo lý thuyết chu kỳ kinh tế và ngành: Chống chọi lãi suất, tỷ suất cổ tức – nhu yếu phẩm – năng lượng – thực phẩm/đồ uống- viễn thông, y tế.
2️⃣ Vùng định giá hợp lý: Chú trọng giá trị thay cho tăng trưởng tại nhóm đã giảm điểm sâu.
3️⃣ Tiêu điểm Đầu tư công.
4️⃣ Sự mở cửa toàn diện của Trung Quốc.
5️⃣ Những đặc trưng riêng có của Việt Nam: Ngân hàng, Chứng khoán, các cổ phiếu hàng đầu (Bluechips).
 
TIẾP CẬN 01: TÌM KIẾM CÁC DOANH NGHIỆP THEO CHU KỲ VÀ CHỐNG CHỌI VỚI LÃI SUẤT TĂNG
 
📊 Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn giảm tốc (Hình 1) với nỗi lo chính năm 2023 nằm ở lãi suất cùng áp lực tỷ giá vẫn thường trực và rủi ro suy thoái toàn cầu gây ảnh hưởng đến thương mại, FDI. Trong cách tiếp cận này, chúng tôi cho rằng các lĩnh vực có tính phỏng thủ cao, khả năng chống chọi, thậm chí hưởng lợi với lãi suất cần được ưu tiên. Một số lĩnh vực ví dụ gồm: Nhu yếu phẩm (An ninh lương thực, Thực phẩm/đồ uống, Năng lượng – Dầu khí); Điện, Nước và Khí đốt; Bảo hiểm; Y tế. Phương pháp tiếp cận này được ưu tiên trong khoảng nửa đầu năm 2023 đặc biệt khi FED chưa có động thái hạ lãi suất, công cuộc kiềm chế lạm phát tại các nền kinh tế lớn chưa thành công.
 
 
📊 Chống chọi với lãi suất: Theo thống kê của TVFM, BĐS là lĩnh vực có dư nợ lớn nhất trong các nhóm ngành phi tài chính (Hình 2), qua đó, nếu giả định giữ nguyên doanh thu và dư nợ, đồng thời tăng lãi suất trung bình trên dư nợ 2% thì nhóm BĐS bị ảnh hưởng rất lớn về biên lợi nhuận, và là nhóm có biên LNTT thấp nhất chỉ sau nhóm du lịch và giải trí.
 
 
📊 Nhóm ngành liên quan đến an ninh năng lượng và nhu yếu phẩm như Điện, Nước, Xăng dầu Khí đốt là nhóm có hiệu quả và ít bị ảnh hưởng nhất bên cạnh nhóm ngành Hóa chất, chưa kể đến đặc tính dòng tiền và cổ tức đều đặn khiến chúng tôi lựa chọn nhóm ngành này như mục tiêu đầu tư thận trọng đầu năm 2023. Các nhóm ngành có tính phòng thủ và thiết yếu tiếp theo được lựa chọn bao gồm Thực phẩm và đồ uống, Viễn thông, Y tế. Ngoài ra, 02 nhóm ngành Hóa chất, Công nghiệp cần cân nhắc thêm về yếu tố thu hẹp biên LNTT do ảnh hưởng từ doanh thu, do đó các cổ phiếu trong đó cần mang tính chọn lọc hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất tăng, các doanh nghiệp bảo hiểm, vốn có nguồn thu thứ cấp từ đầu tư quỹ có thu nhập cố định, an toàn, hưởng lợi từ tăng lãi suất cũng nên được cân nhắc là mục tiêu hợp lý.
 
TIẾP CẬN 02: NHỮNG NHÓM, LĨNH VỰC GIẢM ĐIỂM SÂU VÀ Ở VÙNG ĐỊNH GIÁ HẤP DẪN
 
📊 Cách tiếp cận này nhắm đến các cổ phiếu giá trị thay vì tăng trưởng. Những đợt sụt giảm trong năm 2022 đã đưa nhiều cổ phiếu về vùng giá hợp lý (Hình 3 và hình 4), trong đó đặc biệt là các cổ phiếu Bất động sản (BĐS). Chúng tôi tin rằng bối cảnh thị trường TPDN vẫn còn đang tắc nghẽn, thị trường BĐS đang có xu hướng bước vào giai đoạn khó khăn là cơ hội để tìm kiếm được những khoản đầu tư tiềm năng, lâu dài ở các cổ phiếu trong lĩnh vực này hoặc những lĩnh vực có liên quan khác (vật liệu xây dựng, xây dựng). Tuy nhiên, trong cách tiếp cận này, việc đánh giá tăng trưởng, hoặc ít nhất là ảnh hưởng kết quả kinh doanh trong bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng… vào năm 2023 so với năm 2022 phải được lưu ý, do yếu tố này quyết định mức kỳ vọng hồi phục về định giá và giá trị của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với các lĩnh vực sử dụng việc đánh giá tài sản trong định giá (NAV, P/B), ví dụ như doanh nghiệp BĐS, vấn đề pháp lý dự án và thực trạng tài sản phải được xem xét chi tiết.
 
 
 
TIẾP CẬN 03: CHỦ ĐIỂM ĐẦU TƯ CÔNG
 
📊 Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 782 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với kế hoạch năm 2022, trong đó, vốn của chương trình phục hồi kinh tế là 127 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch vốn năm 2023 gấp 1,7 lần so với ước thực hiện năm 2022 và chưa bao gồm phần vốn chưa thực hiện từ năm 2022 chuyển sang. Trong năm 2023, hàng loạt dự án đầu tư cũng sẽ khởi công bao gồm Sân bay Long Thành, đường Vành đai 4 – Hà Nội, Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Tiến độ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam (CTBN) giai đoạn 1: 02 dự án đã khánh thành, 03 dự án dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 4/2023 và 07 dự án còn dự kiến hoàn thành trong năm 2023 – 2024. (Hình 5).
 
 
Trong phần ý tưởng đầu tư này, chúng tôi tập trung vào nhóm cổ phiếu liên quan đến việc phát triển hạ tầng đường bộ, hàng không của Việt Nam như nhóm thầu xây dựng hạ tầng có kinh nghiệm, khai thác BOT (VCG, HHV, C4G, LCG…), Sản xuất nhựa đường (PLC), Khai thác đá (KSB, DHA, VLB và DND), Xi măng (HT1, BCC), Cảng hàng không (ACV), Xây dựng khác (FCN, CTD…).
 
TIẾP CẬN 04: KỲ VỌNG VÀO SỰ MỞ CỬA TOÀN DIỆN VÀ SỚM NHẤT CỦA TRUNG QUỐC
 
📊 Trong cách tiếp cận này, các lĩnh vực có thể bù đắp sự suy giảm nhu cầu tại Mỹ và châu Âu với nhu cầu quay trở lại của Trung Quốc nhằm đảm bảo xuất khẩu sẽ được ưu tiên (Ví dụ: Cá tra). Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa toàn diện trở lại có thể tạo cú hích cho thị trường du lịch, qua đó các cổ phiếu về du lịch (Hàng không, Cảng, Logsitics) sẽ được hưởng lợi.
📊 Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam – Trung Quốc (Hình 6) đã chứng kiến mức giảm tồi tệ nhất trong nhiều năm vào năm 2022, ghi nhận tổng giá trị XNK ở mức 132.4 tỷ USD, giảm 20.2% so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2021. Chính sách ZCP của Trung Quốc đã khiến nhiều trung tâm kinh tế, sản xuất của quốc gia này không thể hoạt động bình thường được, dẫn tới mức giảm nêu trên. Với kì vọng về sự mở cửa toàn diện từ phía Trung Quốc, chúng tôi lạc quan rằng kim ngạch XNK giữa 2 quốc gia có thể ghi nhận tăng trưởng ở mức 10 – 15% trong năm 2023 và là điểm sáng cho kinh tế trong năm tới.
 
 
📊 Nhóm máy móc, thiết bị và điện tử đang đóng góp vào tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc ở mức lần lượt là 60,7% và 47,8% trong 2022 (Hình 7), đây đang là 2 nhóm sản phẩm đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng XNK của cả 2 nước trong nhiều năm vừa qua. TVFM cho rằng các mặt hàng này sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực trở lại trong 2023 khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, nhưng mức tăng sẽ bị kìm chế do triển vọng kinh tế thế giới không lạc quan, dẫn tới nhu cầu mở rộng sản xuất ở cả 2 quốc gia chậm lại.
 
 
📊 Bên cạnh đó, trong các nhóm ngành còn lại, TVFM kì vọng tích cực ở nhóm Thủy sản, Gỗ và Sản phẩm gỗ khi tăng trưởng dương năm 2022 về xuất khẩu và có khả năng tìm đến thị trường Trung Quốc để thay thế một phần cho nhu cầu sụt giảm tại các thị trường khác, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Theo thống kê của Wigroup, tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là cá tra vào Trung Quốc 11 tháng năm 2022 tăng trưởng đáng kể so với các thị trường chính khác.
📊 Bên cạnh đó, về lĩnh vực du lịch, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trước đại dịch 2019 (Hình 8) cho thấy Trung Quốc chiếm ưu thế lớn (5 triệu lượt), trong khi 8 tháng đầu năm 2022 còn rất yếu (dưới 400 nghìn lượt). Sau khi Trung Quốc mở cửa toàn diện, mặc dù hình thái hồi phục theo chữ “V” khó xảy ra nhưng TVFM kì vọng sẽ mang lại những lợi ích cho nhóm ngành hàng không, dịch vụ lưu trú, lữ hành… và gián tiếp tác động đến lĩnh vực thực phẩm, đồ uống.
 
 
TIẾP CẬN 05: KỲ VỌNG VÀO ĐẶC TRƯNG RIÊNG CÓ CỦA THỊ TRƯỜNG CŨNG NHƯ DÒNG TIỀN NƯỚC NGOÀI
 
📊 Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đánh giá cao 02 đặc trưng của kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán. Thứ nhất, kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phần nào thành công trong việc cân đối tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, kiềm chế lạm phát, ổn định áp lực tỷ giá… Thứ hai, thị trường chứng khoán vẫn đang cải thiện, dần minh bạch, trong sạch và đa dạng, với sự tham gia ngày càng nhiều của nhóm NĐT nước ngoài, đặc biệt là thông qua ETF (Hình 9). Cách tiếp cận này đưa chúng tối đến với các nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán và các cổ phiếu dẫn đầu thuộc các rổ chỉ số ETF hiện nay.
 
 
✅ Về nhóm cổ phiếu ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự kiến tiếp tục ở mức 12% – 14% tương tự năm 2022. Bên cạnh đó, chúng tôi đánh giá cao các ngân hàng có ít rủi ro về nợ xấu với kì vọng NIM sẽ bị thu hẹp trong năm 2023.
✅ Về dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán: Tiềm năng nâng hạng trong dài hạn và áp dụng hệ thống giao dịch mới vào tháng 6/2023 có thể kì vọng giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán tạo đà tăng trưởng.
✅ Dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam phần lớn qua các danh mục quỹ ETF, nổi bật nhất là Fubon ETF và VNdiamond ETF. Trong năm 2022, dòng vốn ròng đến từ các quỹ ETF ghi nhận giá trị lên đến 20.853 tỷ đồng tương đương 880 triệu USD, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ. Trong các danh mục ETF hiện nay, nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Điện, Hàng tiêu dùng chiếm đa số về số lượng, vốn hóa.